Cách đây ít ngày, trên trang cá nhân, nam diễn viên Tùng Dương bày tỏ quan điểm: “Đã đến lúc ngành giáo dục nên loại bỏ câu: “Học, học nữa, học mãi” ra khỏi sách giáo khoa đi. Sự việc vừa xảy ra quá đau lòng”.
Câu nói này gây ra tranh cãi trên mạng xã hội. Một số cư dân mạng để lại bình luận cho rằng: “Câu ‘Học, học nữa, học mãi’ đề cập đến việc không ngừng học hỏi để khám phá kho kiến thức vô tận của loài người.
Sự học là suốt đời, không được tự bằng lòng với chính bản thân mình. Học để đổi mới, sáng tạo chứ không phải là nhồi nhét kiến thức vào đầu, cố học đến mức mệt mỏi, học vì thành tích”.
“Học, học nữa, học mãi hàm ý con người bao nhiêu tuổi đi chăng nữa vẫn phải học hỏi cái mới. Ví dụ như từ điện thoại bàn chuyển sang di động cũng phải học để thích nghi… chứ không phải hàm nghĩa học cho đến chết”…
“Ý nghĩa câu nói: ‘Học, học nữa, học mãi’ không chỉ nói về kiến thức sách vở mà còn đề cập đến việc trau dồi kĩ năng cuộc sống. Điều này là quá cần thiết, tại sao lại nên dừng”.
Nặng nề hơn, nhiều người “khủng bố” trang cá nhân của nam diễn viên, để lại bình luận xúc phạm, thóa mạ. Thậm chí, có người yêu cầu nam diễn viên lên tiếng xin lỗi về phát ngôn của mình.
Một số người khác thì bênh vực nam diễn viên và cho rằng, ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm của mình.
Anh cho biết: “Trong lúc nhất thời, theo dòng suy nghĩ, tôi đăng một dòng cảm thán ngắn gọn, cụt lủn và không giải thích rõ, đó là lỗi của tôi khiến mọi người có thể chưa hiểu hết ý. Tôi đã ngồi lại và ngẫm nghĩ, đặt địa vị của mình vào góc nhìn của mọi người, có thể nếu tôi là một khán giả, đọc câu đó tôi cũng sẽ hiểu lầm như vậy.
Bản thân tôi biết, câu nói: ‘Học, học nữa, học mãi’ là đúng. Điều tôi lo ngại là, đa số học sinh tuổi vị thành niên trở lên sẽ hiểu đúng và đủ nhưng một số các em quá bé có thể sẽ hiểu sai nghĩa câu đó, đối diện với áp lực học hành, suy nghĩ theo hướng cực đoan.
Ở đây mọi người cũng đừng nghĩ tôi nhấn mạnh riêng câu chuyện nào cả, mà tôi muốn đề cập chung đến việc con trẻ đôi khi không được giải thích kĩ sẽ rơi vào vòng xoáy áp lực”.
Trước câu hỏi, có áp lực không khi quan điểm của mình bị đem ra chỉ trích, nam diễn viên cho hay: “Tôi không đọc các bình luận, thoáng thấy các bình luận là tôi bỏ qua. Tôi biết, có thể nhiều người hiểu ý tôi không phải như vậy nhưng cũng có người coi đây là cái cớ để thóa mạ mình, tôi thấy sự việc không quá nặng nề. Đây là quan điểm cá nhân của tôi, có thể là đúng cũng có thể là sai”.
Về quan điểm giáo dục, anh Tùng Dương bày tỏ thêm, môi trường giáo dục không nên có những câu khẩu hiệu đao to búa lớn bởi mỗi em học sinh là một cá thể đang trong quá trình trưởng thành, có nhu cầu, khả năng tiếp thu khác nhau.
Dưới góc độ của mình, anh nghĩ, nhà trường cũng không nên quá đặt nặng thành tích học tập cho trẻ con. Nên để các bạn học sinh tiếp thu theo nhu cầu, khả năng. Chỉ số IQ của mỗi người là khác nhau, có những bạn sẽ tiếp thu khối lượng kiến thức rất lớn, có bạn chỉ tiếp thu được mức độ nào đó.
Trẻ em mỗi bạn sẽ có một ưu thế, có bạn phát triển trí thông minh ngôn ngữ, hay logic – toán học, có bạn lại ưu thế về trí thông minh vận động…
Không nên đánh đồng, yêu cầu tất cả các em học sinh phải tiếp thu được một lượng kiến thức như nhau, gây ra hậu quả khó lường.
Nam diễn viên Tùng Dương là gương mặt nổi tiếng, từng tham gia đóng các phim như: Đầm lầy bạc, Dòng sông phẳng lặng, Mạch ngầm vùng biên ải, Người phán xử… Thời gian gần đây, anh chuyển hướng sang làm biên kịch, phim phát sóng mới đây nhất là Kẻ tàng hình.
VN-Tube