Tối 24/5 danh hài Hoài Linh lên tiếng, trần tình về số tiền hơn 13 tỷ đồng đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung sau ồn ào dư luận thời gian qua. Anh cho biết từ tháng 11/2020 đến nay, tổng số tiền 13,77 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của mình. Nam danh hài khẳng định sẽ đến miền Trung trao tận tay tiền cho bà con trong thời gian tới.
Video giải thích của NSƯT Hoài Linh chưa thuyết phục công chúng. Nhiều câu hỏi về góc pháp lý được đặt ra. Quan điểm cảu các luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) và Nguyễn Hữu Toại (Đoàn luật sư Hà Nội) về vấn đề này.
“Hoài Linh chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật”
Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho hay hoạt động về từ thiện được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Theo quy định, chỉ có tổ chức, quỹ từ thiện mới được kêu gọi đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai, sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghị định này còn nhiều điều bất cập, đang được Bộ Tài chính soạn thảo nghị định mới thay thế. Hiện tại, pháp luật vẫn chấp chận các cá nhân được kêu gọi, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, khó khăn.
Ngoài ra, những hành vi nghiêm cấm khi cứu trợ được quy định trong nghị định như báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Trong trường hợp của Hoài Linh, luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng chưa có dấu hiệu của vi phạm pháp luật nhưng mục đích của việc kêu gọi đóng góp chưa hoàn thành. “Anh kêu gọi đóng góp, ủng hộ người dân bị bão lụt. 6 tháng trôi qua, tiền vẫn nằm trong tài khoản, như vậy không đáp ứng tính kịp thời, nhanh chóng”, luật sư nói.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho rằng khi cá nhân kêu gọi đóng góp nhưng thời gian dài chưa giải ngân, thực hiện công tác từ thiện và số tiền vẫn trong tài khoản, chưa bị dịch chuyển có thể không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều này sẽ gây mất niềm tin với khán giả.
Theo luật sư, trường hợp chưa thực hiện được công việc thiện nguyện, người quyên góp cần phải báo cáo, công khai minh bạch thông tin trên trang cá nhân hoặc các phương tiện truyền thông.
Từ thiện như con dao hai lưỡi
“Trong tình cảnh cấp bách, người đóng góp thường không quá xét nét về việc thu chi. Nhưng đến khi mọi việc ổn định trở lại, họ lại đòi hỏi công khai minh bạch tài chính. Nếu không có sự chuẩn bị, việc báo cáo tài chính sẽ rất khó cho cá nhân”, luật sư Cường đặt vấn đề.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, với trường hợp người đóng góp cảm thấy số tiền của mình không thực hiện đúng mục đích có thể yêu cầu chủ tài khoản trả lại. Đồng thời nếu chứng minh được thiệt hại, có thể kiện chủ tài khoản ra tòa. Và lúc này, tòa án sẽ xử lý theo Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp chủ tài khoản sử dụng số tiền quyên góp làm từ thiện vào mục đích cá nhân, không đúng làm cứu trợ là có yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho hay nếu người đóng góp cảm thấy việc từ thiện có khuất tất, có thể đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý chủ tài khoản.
Anh cho biết thêm: “Nếu có sai phạm, người chủ tài khoản có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Từ thiện như con dao hai lưỡi, nếu làm đúng được khen ngợi, nâng cao hình ảnh. Nhưng chủ tài khoản làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
VN-Tube
Bài viết dựa theo nguồn phỏnng vấn của báo điện tử Zing nhưng quan điểm cá nhân của BQT VN-Tube thì NSƯT Hoài Linh là một nghệ sĩ đáng kính!