Live show Lệ Quyên: Ru đời đi nhé diễn ra vào tối 18/1 tại Hà Nội. Đây là đêm nhạc đầu tiên giọng ca sinh năm 1981 hát nhạc Trịnh Công Sơn sau khi cô ra mắt album Trịnh Công Sơn – Lệ Quyên.
Trước đó, cô tự tin phát ngôn: “Nhạc Bolero là khó nhất mà tôi còn hát được và được khán giả chấp nhận thì nhạc Trịnh – vốn gần với nhạc trẻ – sẽ không làm khó và khiến tôi hoang mang như thuở mới hát Bolero”.
Khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với sức chứa hơn 1.200 ghế đã không còn một chỗ trống. Tuy nhiên, sau đêm diễn có khán giả than phiền rằng “chưa bao giờ thấy ai hát nhạc Trịnh chán như vậy” và bỏ về vì “không thể chịu nổi”.
Hát cường điệu, nặng về diễn xuất biểu cảm
Lệ Quyên vẻ như không biết những điều ấy, cô viết trên trang cá nhân “Khán phòng luôn chật kín, không ai ra về, Quyên thì tiếc nuối trong lời tạm biệt”. Nhưng theo quan sát của phóng viên thì nữ ca sĩ chỉ nói đúng một nửa vì vế còn lại của lời chia sẻ, có thể cô chưa có điều kiện kiểm chứng.
Đã có những khán giả ra về ngay khi phần 1 của đêm nhạc chưa kết thúc. “Xin Lệ Quyên hãy tha cho nhạc Trịnh” là lời nhắn nhủ mà họ để lại. Có người thì bình luận hóm hỉnh hơn: “Tôi thấy Quang Dũng khá vô duyên, là khách mời mà… hát hay hơn cả ca sĩ chính”.
Trong đêm nhạc của mình, Lệ Quyên thể hiện gần như toàn bộ những ca khúc trong album mới phát hành của cô mang tên Trịnh Công Sơn & Lệ Quyên. Đó là những sáng tác nổi tiếng bậc nhất của Trịnh, được nhiều người nằm lòng như Diễm xưa, Ướt mi, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi…
Những bản phối trong live show gần như y chang album, còn bản thân giọng hát của nữ ca sĩ cũng không khác nhiều so với bản thu âm. Về góc độ chuyên môn, không thể phủ nhận Lệ Quyên hát live tốt dù thoáng có lúc, cô cũng tỏ ra đuối (đơn cử như những câu hát cuối cùng trong bài Ru em từng ngón xuân nồng, Lệ Quyên không ngân được chữ “ai” trọn vẹn như Hồng Nhung, cô phải lấy hơi tới 3 lần).
Ưu điểm trong chất giọng của Lệ Quyên là đủ độ dày, vang, lên cao xuống trầm khá tròn, dù cô không phải là người được đào tạo bài bản. Cô cũng vốn được đánh giá là hát cảm xúc, xử lý tinh tế.
Nhưng điều đáng nói là khi thể hiện nhạc Trịnh, Lệ Quyên vẫn giữ nguyên cách hát của Bolero. Trong một số ca khúc nhạc Trịnh, nữ ca sĩ còn phá tan nhịp đặc trưng.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vốn có cách ngắt nhịp rất riêng biệt, 3-4 hay 2-3 đều rất rõ ràng, nhưng qua giọng hát của Lệ Quyên, cảm tưởng như âm tiết bị ríu vào nhau, nhiều nguyên âm không rõ nét. Vẻ đẹp của ca từ trong bài hát vì vậy bị giảm đi vài phần.
Giọng ca gốc Thái Nguyên cũng cường điệu trong tất cả ca khúc nhạc Trịnh mà cô thể hiện. Âm sắc phát ra bị chẹn ở mũi khiến người nghe có cảm giác nức nở, não nề.
“Nửa nạc, nửa mỡ”, kỹ thuật không ra kỹ thuật, cảm xúc không thành cảm xúc. Lệ Quyên, thậm chí còn nặng về biểu cảm gương mặt, hình thể – điều được cho là không thực sự cần thiết với ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng phải đặt trong tương quan lối hát của Khánh Ly hay Hồng Nhung mới thực sự thấy cách hát của Lệ Quyên – với nhiều người – không hẳn là làm mới. Đúng hơn, đó là cách thể hiện hời hợt với nhạc Trịnh.
Khi đọc lại lời của Trịnh, Lệ Quyên như trả bài: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.
Với những khán giả từng nhiều lần nghe Khánh Ly hay Hồng Nhung kể chuyện về Trịnh trên sân khấu mới thấy được hết yếu điểm của Lệ Quyên. Tất nhiên, hạn chế này cũng khó tránh vì so với những đàn chị, Lệ Quyên chưa từng được gặp Trịnh, và dĩ nhiên cũng không thể có bất cứ câu chuyện nào thuộc sở hữu của riêng mình.
Một đêm nhạc không trọn vẹn trên mọi phương diện?
Khánh Ly, người nửa thế kỷ hát nhạc Trịnh chỉ nhận mình như “cỏ cây, cơn mưa xuống thì mọc”. Còn Lệ Quyên, trên sân khấu lại cho biết đây là thời điểm cô thấy mình hát nhạc Trịnh hay nhất có thể.
Nữ ca sĩ bày tỏ sự mong mỏi từ nay trở đi, khán giả khi tìm đến Lệ Quyên sẽ biết thêm rằng Lệ Quyên còn hát nhạc Trịnh, chứ không chỉ có nhạc xưa, Bolero.
Lời chia sẻ giống như một lời quảng cáo nhưng lại được đặt trong bối cảnh của một đêm nhạc không trọn vẹn trên mọi phương diện. Không chỉ riêng cách hát, lối hát mà tổng thể live show của Lệ Quyên tại Hà Nội cũng có nhiều hạn chế để bàn luận.
Sân khấu được dàn dựng theo hình xoắn ốc với hai vòng tròn đan xen, hai bên là bậc thang trải dài gần như không có ý nghĩa về mặt tượng trưng.
Sắc màu sân khấu khi thì u ám, lúc lại lòe loẹt do lạm dụng màn hình LED. Nhiều màn múa phụ họa, vẻ như chỉ hợp với sự nức nở của Lệ Quyên, còn không liên quan gì đến ca từ bài hát của Trịnh.
Đáng kể hơn, live show được lấy tên là Ru đời đi nhé, và được nhấn mạnh là lần đầu tiên Lệ Quyên hát nhạc Trịnh trong đêm nhạc riêng, nhưng cách biên tập, đặt để ca khúc lại không toát được chủ đề của chương trình. Ngoài nhạc Trịnh, Lệ Quyên còn hát cả nhạc xưa, Bolero.
Nhạc xưa, Bolero được hát ở phần sau, giống như một sự níu kéo, chiều lòng khán giả. Nghe Lệ Quyên hát nhạc xưa, Bolero, rõ ràng bớt băn khoăn hơn (dù giới chuyên môn vẫn cho rằng Lệ Quyên không hẳn là một giọng thuần Bolero).
Một live show không đúng nghĩa âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng Lệ Quyên lại vừa thông báo sẽ làm đêm thứ hai vì “nhiều quá những khán giả chưa có vé”.
Âu cũng là câu chuyện của thị trường, có cung thì mới có cầu, chỉ không biết với giới mộ điệu Trịnh, vốn quen “đi ngang qua vùng tóc dài” sẽ chịu đựng như thế nào?
VN-Tube