Sau nhiều năm ấp ủ, khi có đủ kinh phí và kỹ thuật sản xuất, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê-kíp mới chính thức bắt tay thực hiện bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”. Tựa phim được đưa về tựa gốc với tham vọng có thể làm được những gì bản truyền hình năm 1997 đã từng tiếc nuối bỏ lỡ.
Trong buổi công bố dự án tại TP.HCM vào chiều 20/09, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có buổi trò chuyện cùng chúng tôi xoay quanh về tác phẩm điện ảnh mà anh đặt nhiều tâm huyết, công sức.
Thời gian qua, nhiều phim Việt ra rạp nhưng bị khán giả đánh giá yếu về kịch bản, nội dung kém hấp dẫn… nên doanh thu khá thê thảm. Là đạo diễn kỳ cựu, anh đánh giá ra sao?
Tôi cũng đang gặp nhiều áp lực trước sự khó khăn của thị trường. Hệ quả sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn, không có nhiều phim được đầu tư lớn, dẫn đến thị trường phim không còn đa dạng.
Tôi nghĩ khán giả lười ra rạp vì bộ phim đó chưa đủ hấp dẫn, chưa được chăm chút đúng mức, chỉn chu nhất có thể. Ví dụ như một cô gái đẹp thì các anh thanh niên sẽ rất là siêng năng, nhiệt tình…
Phim ảnh cũng vậy, mình phải làm sao cho người ta thấy hứng thú khi đi xem. Khán giả hiện tại rất khó tính, vì vậy các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên… phải càng nỗ lực, cố gắng và làm việc nghiêm túc hơn.
“Lật mặt 6” của Lý Hải, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành có doanh thu “khủng”, đề tài cũng khá giống với “Đất rừng phương Nam” khi khai thác các yếu tố về ký ức thế hệ, câu chuyện gia đình, phiêu lưu… đều là những điểm mạnh để thu hút công chúng ra rạp. Anh có nghĩ phim mình sẽ lập kỷ lục doanh thu mới?
Đến hiện tại, kinh phí của phim đã hơn 50 tỷ. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tạo nên một tác phẩm tốt nhất. Đó là sự chung tay của hàng trăm con người, sự yêu thương của khán giả dành cho bản truyền hình lẫn bản điện ảnh. Nếu không có tình yêu, lòng tự hào dân tộc của mọi người trong ê-kíp thì kinh phí phim có lẽ phải đội lên khoảng 100 tỷ đồng. Tôi mong khán giả bỏ tiền ra mua vé sẽ không bị tiếc tiền, thấy xứng đáng.
Tôi là đạo diễn, đi làm công lãnh lương, đầu tư là nhiều người khác. Tôi biết điều kiện mình không có nhiều thì bản thân phải đầu tư thời gian hơn.
Tôi chỉ mong doanh thu phim càng cao càng tốt, là động lực để chính tôi và những nhà làm phim khác không ngại những đề tài tốn kém, khó nhằn. Nói thẳng ra, phim cũng là tiền, nếu không thu lại vốn thì khả năng người ta đầu tư sẽ ít đi, mọi người sẽ mất lửa rất nhiều.
Tôi là người đã 3 lần phá kỷ lục doanh thu với phim “Nụ hôn thần chết”, “Giải cứu thần chết”, “Mỹ nhân kế” ở những thời kỳ của phim. Cuối cùng, tôi cũng tự hỏi thành công trong nghề là gì? Với tôi, thành công trong nghề là mình được kể câu chuyện mình muốn, mỗi ngày mình được nói ra suy nghĩ nhiều hơn trong tác phẩm.
“Đất rừng phương Nam” muốn hồi vốn thì doanh thu phải tầm 130 tỷ. Tôi nghĩ đây là con số khó khăn trong thời điểm này. Thú thật, câu chuyện trong phim là yếu tố để tôi ủ mưu làm phần kế tiếp. Nếu phim thắng lớn thì phần sau sẽ được đầu tư, hấp dẫn hơn. Tôi chỉ mong phim này sẽ là phim có doanh thu tốt nhất. Tôi không so sánh với ai, có lợi nhuận ít hay nhiều cũng được.
Khi “Đất rừng phương Nam” công bố những thước phim đầu tiên, nhiều ý kiến cho rằng tạo hình nhân vật trong phim không giống người Nam bộ xưa, mặc áo vá “phi thực tế”?
Tôi thấy miền Tây trong phim khác miền Tây bây giờ. Khi làm phim, chúng tôi có cả đội ngũ đi tìm tư liệu. Tôi từng nghe ba kể ngày xưa ông nội là chủ tiệm vàng dưới miền Tây và được biết đây là nơi giao thương. Nhiều phim kể về miền Tây rất là nghèo nhưng tôi muốn cho mọi người biết miền tây cũng có thời rất phồn vinh, khu chợ có đời sống như vậy.
Tôi có triết lý khi làm, cũng có thể tài năng của tôi chưa tới để mọi người hiểu. Phim giống như sản phẩm, khách hàng càng khó tính thì mình phải càng cố gắng. Phim này chiếu ra, mọi người thấy cái này cái kia chưa phù hợp thì tôi đem về hậu kỳ sửa tiếp, tôi đã làm hết khả năng của mình.
Trên nhiều diễn đàn phim, không ít khán giả thẳng thắn tuyên bố: “Nếu có Trấn Thành tôi sẽ không ra rạp”; “Có Trấn Thành là tôi hết muốn xem…”. Anh nghĩ gì?
Tôi nghĩ những người yêu phim, yêu điện ảnh chân chính thì sẽ không tiêu cực đến mức đó. Nhiều khi họ chỉ giận nhất thời. Trong cuộc sống thì có người thích người này, người thích người kia, đây là chuyện bình thường, không quá lớn.
Tôi đánh giá Trấn Thành là nghệ sĩ tài năng. Tôi làm việc với Thành từ hồi cậu ấy mới vào nghề. Trấn Thành là người có cá tính mạnh. Thường những người thành công thì phải có cá tính, nói ra quan điểm của mình. Nếu đôi bên hiểu tính nhau thì thấy nhẹ nhàng.
Mỗi phim, tôi thấy Trấn Thành “lên tay” rất nhiều, quyết liệt trong công việc, chính kiến rõ ràng. Trong “Đất rừng phương Nam”, Trấn Thành vừa là nhà sản xuất, vừa đóng phim… Hai anh em chúng tôi chia sẻ với nhau thẳng thắn, Trấn Thành không can thiệp vào vai trò đạo diễn của tôi.
Tôi chọn Trấn Thành vào vai bác Ba Phi vì sự hoạt ngôn, khả năng biến hoá linh hoạt. Nếu không phải Trấn Thành thì tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu mọi người đọc tiểu thuyết thì có thể thấy một bác Ba Phi khác so với bản truyền hình. Chẳng qua bản truyền hình quá thành công nên mọi người bị mặc định. Tôi mong mọi người không so sánh Trấn Thành với chú Mạc Can.
Trấn Thành từng phát ngôn: “Ở Việt Nam không có đơn vị đào tạo diễn viên ra hồn”. Anh cảm nhận ra sao về quan điểm này?
Tôi phải xem xét câu nói của Trấn Thành ở trong hoàn cảnh nào. Trước đây, tôi cũng bị “dính nhiều quả”. Nếu mà tôi cũng được nhiều người quan tâm như Trấn Thành thì có lẽ sẽ cũng bị vậy thôi. Khi tôi ra trường đi làm, có lần trả lời một câu cũng giống Trấn Thành, từ ngữ không mạnh như vậy nhưng thầy cô đã gọi điện nhắc nhở.
Tôi mong muốn trường học cập nhật liên tục để các em tiếp cận nhanh hơn. Khi ở trường, có cái hay là tạo môi trường cho những người bạn đồng nghiệp tương lai. Có nơi để làm bài kiểm tra, có nơi để nhìn người này cao điểm hơn mình để cố gắng.
Tôi cũng mong muốn Việt Nam có nhiều trường nghệ thuật tiếp cận thời đại hơn. Tôi cũng xuất thân từ trường nghệ thuật nên biết những giáo án của mình từ thời Liên Xô cũ, thật ra có những cái chưa tiếp cận thời đại mới.
Vậy theo anh, một người diễn viên có cần thiết phải theo học trường lớp chuyên nghiệp?
Có một sự thật là diễn viên trên thế giới, đặc biệt là ở mảng điện ảnh không nhiều người xuất thân từ trường lớp. Tại Hollywood, diễn viên phải đi casting từ thứ hai đến thứ sáu, vì casting là nơi học thực tiễn, học được nhiều. Kịch nghệ thì người ta mới học nhiều, điện ảnh thì có người tay ngang, từ nhạc kịch, kịch nghệ chuyển qua…
Với tôi, thành công là phải có học nhưng không có nghĩa tới trường sẽ học nhiều hơn. Tự học là một người rất giỏi vì họ có đủ đam mê. Chúng ta thường thấy những người thành công chủ yếu là tự học. Muốn thành công là phải có học, học bằng con đường nào thì cũng được, đến trường thì chỉ là phương tiện thôi.
VN-Tube