Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều 8.12, mạng xã hội bất ngờ lan truyền thông tin nhạy cảm liên quan đến Phương Mỹ Chi. Cụ thể, trong nhóm T.B có hơn 40.000 thành viên, một tài khoản đăng tải: “Thấy bảo Phương Mỹ Chi lộ clip à anh chị em ơi. Đúng là giờ Chi đã lớn, Chi đã 20 tuổi rồi nó phải khác chứ”.
Hay trên Facebook, tài khoản B.Đ viết: “Nghe nói lộ clip Phương Mỹ Chi vụ gì vậy mọi người, em thành người tối cổ rồi”. Tài khoản T.R đăng tải nội dung: “Trời đất ơi, Phương Mỹ Chi trong lòng tôi. Bình luận tôi mới gửi clip”.
Khi theo dõi những bài đăng này, nhiều người hoài nghi về tính xác thực của thông tin và mong phía giọng ca Vũ trụ có anh lên tiếng. Một cư dân mạng bất bình cho rằng đây là cách để một số cá nhân câu like, thu hút sự chú ý.
Trong thông cáo gửi báo chí, Phương Mỹ Chi khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự. Theo giọng ca 20 tuổi những thông tin sai lệch, vô căn cứ này ảnh hưởng đến hình ảnh của mình và ảnh hưởng tâm lý khán giả yêu thương cô.
Cô chia sẻ: “Tôi không ngừng nhắc nhở bản thân phải ý thức trách nhiệm đến cho khán giả. Mình còn bị nghi hoặc nghĩa là bản thân vẫn cần phải cố gắng chăm chỉ hoạt động nghệ thuật để có được sự tin tưởng nhiều hơn nữa. Cuối cùng tôi xin cảm ơn tất cả mọi người đã luôn yêu thương tôi”.
Trong thông cáo báo chí, phía Phương Mỹ Chi cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại trên mạng xã hội vẫn lan truyền những thông tin không xác thực về Phương Mỹ Chi. Việc người dùng ấn nút chia sẻ bài đăng về clip Phương Mỹ Chi không đơn giản chỉ là phát tán thông tin chưa xác thực trên không gian mạng, đây còn là hành vi tiếp tay vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Hà Thị Kim Liên cho biết tại Khoản 1 Điều 34 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Trước những thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Theo luật sư Kim Liên, Điểm a Khoản 1 Điều 101, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022) quy định: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…
Theo Thanh Niên