Ngày 25/6, Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3, xác định nghi can đặt chiếc đồng hồ có camera quay lén là nam thanh niên thuộc êkip của Châu Bùi và hãng mỹ phẩm. Bước đầu, người này đã thừa nhận hành vi. Cơ quan điều tra đang làm rõ động cơ của nam thanh niên này để làm căn cứ xử lý.
Châu Bùi sinh năm 1997, người Hà Nội, có 10 năm hoạt động trong vai trò fashionista, người mẫu ảnh… Năm ngoái, cô lấn sân kinh doanh ở lĩnh vực mỹ phẩm. Người đẹp được ngưỡng mộ với mối tình bên rapper Binz.
Trước đó, Châu Bùi trình báo, chiều 23/6, cô cùng ekip có buổi thử đồ cho một nhãn hàng tại studio ở phường Võ Thị Sáu, quận 3. Trước khi vào phòng thay đồ, đội ngũ sản xuất đã kiểm tra kỹ phần tường, gương và không phát hiện có vật bất thường. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút làm việc, Châu Bùi vô tình nhìn về phía cây sắt trong góc nhà vệ sinh, phát hiện chiếc đồng hồ có máy quay phim đang nhấp nháy.
Cô cùng team đề nghị chủ studio kiểm tra trong máy quay lén, thấy có nhiều hình ảnh nữ người mẫu đang thay đồ. Camera an ninh tại studio ghi nhận hình ảnh một nam nhân viên thuộc êkip sản xuất đã vào nhà vệ sinh, phòng thay đồ, trước khi Châu Bùi tới. Châu Bùi đã trình báo cảnh sát đồng thời đăng lên mạng xã hội để cảnh báo các nghệ sĩ khác.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha), trước hết, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi công dân, ghi nhận quyền tự do hình ảnh cá nhân. Việc quay phim, chụp ảnh, sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó cho phép (khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015), trừ một số trường hợp mà pháp luật có quy định cho phép nhưng không được gây tổn hại đến người có hình ảnh. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cũng phải được người đó đồng ý (khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015).
Trong vụ việc này, Châu Bùi đã kịp thời phát hiện bị quay lén, hình ảnh và clip chưa bị phát tán. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân nam thanh niên đã thực hiện hành vi trên, cũng như làm rõ mục đích sử dụng các clip đã quay lén. Ngoài hành vi đã bị phát hiện, người này đã từng thực hiện việc tương tự hay chưa, hậu quả đến đâu… để có đánh giá tổng thể sự việc; làm rõ hành vi vi phạm để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người này đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm, thu thập trái phép thông tin bí mật đời tư cá nhân của nhiều người, những thông tin nhạy cảm của cá nhân rồi đăng lên mạng Internet để trục lợi hoặc cung cấp cho các trang web đồi trụy, hoặc sử dụng hoặc bán cho người khác để đe dọa tống tiền nạn nhân… hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự an toàn xã hội, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Làm nhục người khác (Điều 155), Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326); Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); còn nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 170).
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người này có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, hành vi được phát hiện ngăn chặn kịp thời, anh ta chưa sử dụng để đăng tải lên không gian mạng thì có thể được xác định là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” và bị phạt tiền 2-3 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Trường hợp hành vi được xác định là “sàm sỡ, quấy rối tình dục” thì có thể bị phạt tiền 5-8 triệu đồng và buộc xin lỗi công khai (điểm đ khoản 5, điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi trên còn phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho nạn nhân (nếu nạn nhân có yêu cầu).