Sau sự thành bất ngờ của bộ phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng, mẹ chồng – nàng dâu trở thành đề tài được khai thác triệt để của điện ảnh Việt năm 2017, mới nhất phải kể đến “bom tấn” cuối năm Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng.
Liệu với những hạn chế về thời gian của một bộ phim chiếu rạp, Mẹ chồng sẽ có những điểm khác biệt và nổi bật nào so với bộ phim truyền hình cùng đề tài đã quá thành công trước đó.
Mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Hẳn là những khán giả trung thành của Sống chung với mẹ chồng từng ấn tượng với những tình huống dở khóc dở cười trong mối quan hệ giữa bà Phương với con dâu.
Từ chuyện thể hiện tình cảm của đôi vợ chồng trẻ đến chuyện nữ công gia chánh của nàng dâu mới… tất cả đều không vừa mắt bà Phương.
Mâu thuẫn trong phim đơn thuần xuất phát từ khoảng cách thế hệ cũng như một chút “hờn ghen” của người mẹ khi thấy con trai mình dành sự quan tâm cho một người phụ nữ đặc biệt khác. Căn nguyên của mâu thuẫn khiến khán giả dễ dàng cảm thông, thậm chí nhìn thấy bản thân mình trong đó.
Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng lại khác, mâu thuẫn đến từ chính những ám ảnh trong quá khứ, sự giằng xé, thay đổi trong nội tâm nhân vật.
Không chỉ đơn thuần là khoảng cách thế hệ hay tác động của yếu tố ngoại cảnh mà mâu thuẫn trong Mẹ chồng xuất phát từ cuộc chạy đua tranh giành quyền lực đầy mưu mô, hiểm ác để có thể trụ vững trong gia đình và bảo vệ chính bản thân mình.
Sự đấu đá, những thủ đoạn trong Mẹ chồng khiến khán giả dễ liên tưởng tới những bộ phim cung đấu của điện ảnh Hoa ngữ.
Kịch tính và cao trào
Giống như những bộ phim cung đấu của Trung Quốc, cao trào trong Mẹ chồng được đẩy lên tới đỉnh điểm thậm chí được giải quyết bằng sự sống còn của các nhân vật. Những tình tiết kịch tính liên tục xuất hiện khiến mạch cảm xúc của người xem cũng không ngừng thay đổi.
Khoan bàn đến nội dung hay sự thành bại của phim, phải chắc chắn một điều rằng đạo diễn Lý Minh Thắng đã làm tốt vai trò cuốn hút người xem cùng những tình huống kịch tính.
Sống chung với mẹ chồng lại đúng chất một bộ phim tình cảm gia đình Việt Nam bởi dù có khúc mắc đến đâu thì cuối cùng khán giả cũng thấy được một cái kết vẹn cả đôi đường.
Dĩ nhiên đoạn kết của bộ phim này còn khá nhiều tình thiết chưa được giải quyết cụ thể nhưng ít nhiều nó cũng làm hài lòng đa phần các khán giả. Giống như nhiều phim truyền hình khác, người xem hứng thú cùng việc phỏng đoán nội dung tập sau thậm chí nhìn thấy trước được cái kết.
Phim cũng có khá nhiều tình huống kịch tính tuy nhiên đều được dàn xếp khá ổn thỏa thậm chí còn khá dễ đoán và không để lại hậu quả quá nghiêm trọng.
Hình ảnh những người phụ nữ
Được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình nhưng cả đời nhất mực phụng sự cho một gia đình khác, dành cả tuổi thanh xuân để yêu thương và phụng sự cho người đàn ông của đời mình, đó chính là điều mà khán giả dễ dàng nhìn thấy ở tất cả những người phụ nữ trong Mẹ chồng.
Một Ba Trân chưa từng có một ngày vui ở Huỳnh gia lại nhẫn tâm hạ độc người mình yêu trước lời đề nghị cùng nhau đến một vùng đất không ai biết đến họ; một Bảy Loan cả đời âm thầm chịu đựng kiếp vợ lẽ cuối cùng tự chấm dứt cuộc đời mình trong một căn phòng tăm tối của họ Huỳnh; một Tuyết Mai sống với tình yêu lỡ dở và một người chồng khờ rốt cuộc lại khước từ sự chân thành của Ba Khiêm để sống chết chung thủy với chồng khờ Hai Phước.
Dù là kẻ toan tính, mưu mô hay người cả đời âm thầm chịu đựng thì cuối cùng những người phụ nữ trong Mẹ chồng vẫn bị trói buộc bởi sự giáo dục của Nho giáo, sự hà khắc của gia đình.
Đạo diễn Lý Minh Thắng thực sự khéo léo khi đánh vào tâm lý, sự đồng cảm của khán giả với những bất công mà người phụ nữ xưa thậm chí là nay phải chịu đựng.
Trái lại, ở Sống chung với mẹ chồng khán giả sẽ bắt gặp được hình ảnh của những người phụ nữ hiện đại, tự làm chủ được cuộc sống của mình.
Dĩ nhiên cả bà Phương lẫn Vân đều mong muốn cả một đời được sống vì gia đình, vì chồng nhưng ở họ có một ý thức tranh đấu cho cuộc sống cá nhân rất mãnh liệt.
Thay vì đồng cảm cho số phận của những người phụ nữ, Sống chung với mẹ chồng lại thành công hơn trong việc khiến khán giả dễ dàng nhìn thấy bản thân trong từng nhân vật.
Sự thay đổi trong tính cách và diễn biến tâm lý nhân vật
Xuyên suốt Sống chung với mẹ chồng, khán giả ít thấy sự thay đổi trong tính cách hay nội tâm nhân vật. Dù phải chịu sự truy xét, áp đặt của mẹ chồng thậm chí bị chồng đánh đập đến mức ánh mắt đầy sự căm phẫn thì Vân vẫn nhất mực là tuýp người tốt đẹp và lương thiện cho đến tập cuối.
Phải cho đến khi cao trào được đẩy lên và mọi chuyện dần được giàn xếp ổn thỏa thì những suy nghĩ về đối phương mới bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nhưng dĩ nhiên, tính cách của mỗi nhân vật vẫn không có quá nhiều sự thay đổi.
Nhìn sang Mẹ chồng, phim bắt đầu bằng bối cảnh mùa hạ và kết thúc ở mùa xuân, trình tự theo tuyến tính thời gian hoàn toàn trùng khớp với sự thay đổi của từng nhân vật. Tính cách thậm chí là nhân cách và diễn biến tâm lý của Ba Trân (Thanh Hằng) được thể hiện rõ nét nhất.
Từ một Ba Trân lương thiện, đầy hạnh phúc trong ngày cưới đến một Ba Trân khốn khổ vì mất đi đứa con đầu lòng, bị đày đọa và ám ảnh tới mức quyết định bỏ mặc sự sống chết của mẹ chồng Hai Lịnh và sau cùng là một mợ cả mưu mô, nham hiểm, quyền lực và tàn độc nhưng lại cô độc đến cùng cực.
Tuy nhiên, sự thay đổi đến chóng mặt của Ba Trân vẫn khiến khán giả thương nhiều hơn là trách bởi không ít lần ánh mắt của người mợ cả tàn độc này đã “phản bội” chính lời nói cay nghiệt và dã tâm trong cô.
Dù có thay đổi tính cách thậm chí là cả nhân cách thì sâu trong con người Ba Trân vẫn còn xót lại sự lương thiện, tình yêu và khao khát được yêu, khán giả vẫn có thể bắt gặp ở đâu đó ánh mắt hạnh phúc của Ba Trân trong ngày về đầu với nhà họ Huỳnh.
Một “siêu phẩm” truyền hình và một tác phẩm được kì vọng sẽ trở thành “bom tấn” điện ảnh Việt cuối năm nay, mỗi bộ phim lại khai thác câu chuyện mẹ chồng nàng dâu theo một hướng khác nhau.
Mẹ chồng đang được khởi chiếu trên toàn quốc.
VN-Tube