Rạng sáng 14/5, nhiều khán giả vẫn “trụ” trước cổng sân khấu kịch trên đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, để nói lời tạm biệt Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc sau đêm diễn. Song, họ không có cơ hội để tỏ bày trước mặt nam nghệ sĩ khi anh đã ra về bằng cổng sau.

Suất diễn cuối cùng của NSƯT Thành Lộc tại sân khấu Idecaf

Chỉ còn những hình ảnh Tú Bà trong vở Mưu bà Tú vẫn đang lưu lại “nóng hổi” trong nhiều khán giả. Đây là suất diễn cuối cùng của “phù thủy sân khấu” ở Idecaf, kết thúc hành trình biểu diễn 26 năm của anh với sân khấu này.

Mưu bà Tú được Lê Hoàng viết kịch bản, do cố đạo diễn Vũ Minh dàn dựng, lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vào vai Tú Bà đáng ra bị nhiều người căm ghét, NSƯT Thành Lộc đã khiến khán giả cùng khóc, cùng cười với nhân vật của mình. Anh cho người xem góc nhìn mới về người đàn bà khao khát yêu thương, chán ghét cuộc sống phong kiến với nhiều áp đặt đè nặng lên phụ nữ.

Tuy nhiên, hôm nay có lẽ là lần sau cuối khán giá có thể khóc, cười cùng Tú Bà của Thành Lộc và dàn diễn viên trong vở diễn tuổi đời 4 năm. Vì, trước đó nam nghệ sĩ thông báo “đêm nay là đêm cuối cùng”.

Òa khóc khi Thành Lộc xuất hiện

Hơn 12h đêm, Thanh Nguyên (17 tuổi, TP.HCM) – một trong những khán giả về cuối cùng sau khi xem vở Mưu bà Tú – lặng lẽ bước ra, vừa đi vừa khóc. Cô gái trẻ không giấu được sự xúc động khi tạm biệt “huyền thoại” của mình tại sân khấu này.

Nữ khán giả cho biết cô xem Ngày xửa ngày xưa từ nhỏ và yêu thích các diễn viên, đặc biệt là NSƯT Thành Lộc. Với cô, nam nghệ sĩ như một “tượng đài” và là điều gì đó rất đặc biệt, thiêng liêng. Hơn 6 năm liền, cô gắn bó cùng các vở diễn của Thành Lộc tại Idecaf.

“Nghe tin chú Thành Lộc rời sân khấu, tôi đã khóc rất nhiều. Hôm nay đến đây, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ lên, không được khóc. Nhưng chú vừa xuất hiện, tôi rưng rưng. Đến lúc kết màn, các diễn viên ra chào khán giả, tôi òa khóc nức nở, không kiềm được lòng dù đã chuẩn bị tâm lý”.

Từng xem Mưu bà Tú 3 lần, Thanh Nguyên vẫn quyết định mua vé xem suất cuối cùng có Thành Lộc diễn. “Lần này, tôi cảm nhận chú Lộc diễn sung và quăng những mảng miếng hài mới hơn. Có nhiều cảnh, chú biến tấu để khác so với những suất trước”, cô nhận xét.

Với nhiều khán giả, Thành Lộc như linh hồn của sân khấu. Bằng tài năng và sự “lành nghề”, những vai diễn của anh ghi dấu trong lòng khán giả. Bởi thế, khi Thành Lộc rời đi, khó có diễn viên nào thay thế được.

“Nếu chú rời đi, tôi mong chú sẽ tự mở một sân khấu cho riêng mình. Hoặc không, tôi mong chú gia nhập một sân khấu mới, tiếp tục cống hiến cho khán giả, để mọi người có cơ hội được xem chú diễn và ủng hộ tài năng này”, Thanh Nguyên bày tỏ.

“Phù thủy sân khấu diễn xuất thần”

Thần tượng Thành Lộc hơn 10 năm, diễn viên Hoàng Phi Kha cũng “chạy đôn chạy đáo” tìm mua vé để xem người được mệnh danh là “phù thủy sân khấu Việt” diễn suất cuối tại Idecaf.

“Tôi không dám khẳng định mình coi hết các suất anh Lộc diễn nhưng các vở của anh tôi xem nhiều, từ Ngày xửa ngày xưa đến Tấm Cám, 12 bà mụ…” Hoàng Phi Kha tâm sự.

Hoàng Phi Kha tất bật tìm vé để xem suất diễn cuối cùng của Thành Lộc tại sân khấu kịch gắn bó 26 năm

Nam diễn viên kể, biết Thành Lộc diễn suất cuối vở Mưu bà Tú, anh tìm mua vé xem nhưng không có, kể cả vé chợ đen. Cuối cùng, anh nhắn tin cho Thành Lộc, nói mình muốn đi xem nhưng mua vé không được. May mắn, Nghệ sĩ Ưu tú còn 2 vé dự phòng nên để lại cho Hoàng Phi Kha.

“Với tôi, cặp vé này rất quý vì được anh Lộc sang lại, để xem suất diễn cuối ở Idecaf. Hôm nay anh diễn xuất thần, không để sân khấu chết. Lời thoại của anh hay, sắc sảo và mang tính châm biếm cao. Tôi xem cảm thấy rất đã”, nam diễn viên nói.

Nam diễn viên nhận xét: “Tôi cảm nhận các diễn viên đều diễn hết mình với anh Lộc. Trước đây, tôi đi coi suất nào cũng như nhau thôi. Nhưng hôm nay đến đây với tâm lý xem vở diễn cuối cùng của anh Thành Lộc tại Idecaf, dù tôi vui cười với vai diễn của anh nhưng lại buồn, xúc động khi nghĩ đến việc sắp tới không còn thấy tài năng này trên sân khấu nữa”.

Anh cho biết chắc chắn nhiều sân khấu, đoàn kịch khác sẽ mời Thành Lộc về diễn sau khi nam nghệ sĩ rời Idecaf. Bản thân anh và nhiều khán giả khác sẽ luôn ủng hộ, dõi theo hành trình sắp tới của Thành Lộc.

Mặc dù Thành Lộc, Hữu Châu là những cái tên hút khách cho sân khấu Idecaf, anh bày tỏ sự biết ơn với những đóng góp của các nghệ sĩ khác, bởi họ đã cống hiến, mang đến những vở diễn thành công.

“Thành Lộc đi đâu, tôi theo đó”

Kéo dài 4 tiếng đồng hồ, Mưu bà Tú chia tay khán giả lúc nửa đêm. Khoảng nửa cuối đêm diễn, bên trong chật kín nhưng ngoài hành lang vẫn thấp thoáng những bóng người “lỡ vé”, đã ngồi miệt mài từ lâu để chờ đợi gặp gỡ Thành Lộc và các nghệ sĩ tại Idecaf.

“Coi Mưu bà Tú rất nhiều nhưng suất diễn cuối cùng chúng tôi không mua được vé. Hôm nay là ngày cuối rồi, tôi đến đây từ 10h30 chỉ để có cơ hội gặp gỡ các nghệ sĩ sau khi vở diễn kết thúc”, chị Bắp (32 tuổi – TP.HCM) tâm sự.

Trung thành với Idecaf suốt 10 năm, chị đã nhiều lần lui tới sân khấu vào cuối ngày để gặp gỡ và giao lưu với thần tượng – diễn viên Vân Trang. Cũng vì thế, nữ khán giả chạm mặt nghệ sĩ Thành Lộc như “chuyện cơm bữa”. Bằng giọng nói nức nở, chị cho biết các vai diễn của Vân Trang tại sân khấu luôn đồng hành cùng của Thành Lộc và cả hai có mối quan hệ rất thân thiết.

“Các vở diễn của Vân Trang tại Idecaf luôn gắn liền với tên tuổi của Thành Lộc. Nên anh đi, không ai thế vai, các vở diễn ‘ngủ đông’. Chị Vân Trang tạm thời không diễn, chúng tôi cũng theo anh chị, không đến sân khấu nữa”, nữ khán giả cho biết.

Bên cạnh đó, chị Nụ (28 tuổi, TPHCM) – bạn của chị Bắp, nhận định: “Việc nghệ sĩ Thành Lộc rời đi sẽ khiến sân khấu sụt giảm doanh thu, lượng khán giả cũng không còn đông đúc như bây giờ. Trong các suất diễn từ trước đến nay, hơn 90% khán giả đến chỉ để xem Thành Lộc. Chú hầu như cân hết tất cả vở diễn ăn khách của sân khấu và cũng là người duy nhất, khó ai có thể thay thế”.

Hai nữ khán giả trung thành của sân khấu xin không trả lời thêm vì sợ chẳng kiềm chế được cảm xúc. Khi đó, họ đề cập đến một người, với danh xưng “trùm cuối”, đã gắn bó lâu đời với Idecaf từ lúc mới thành lập – cô Thủy (46 tuổi – TP.HCM).

Không phải là nghệ sĩ, quản lý hay bất kỳ thành viên trong đoàn, cô hành nghề gánh rong trước cổng sân khấu từ ngày đầu thành lập. Bộc bạch với phóng viên, cô nói: “Tôi đã theo ông ấy lâu lắm rồi, từ thời ổng diễn ở sân khấu kịch 5B các vở Lôi vũ, Dạ cổ hoài lang. Bây giờ Thành Lộc đi đâu, tôi đi theo đó”.

Buôn bán từ năm 18 tuổi, cô Thủy như “người đồng hành” âm thầm của nghệ sĩ Thành Lộc, ngót nghét gần 3 thập kỷ. Cô cho biết ông là người hiền lành, dễ thương, vui tính và thường mua bánh chuối đãi đoàn. Lòng mến mộ của cô dành cho nam nghệ sĩ không chỉ bởi tài năng mà còn nhân cách, sự nhân hậu và con người của ông.

“Hồi xưa tôi bán ở sân khấu 5B, Võ Văn Tần. Từ thời chú Lộc sang Idecaf diễn, tôi cũng đi theo và bán trước cửa sân khấu đến giờ. Sắp tới, chú Lộc diễn ở Bến Thành vở Ngày xửa ngày xưa, tôi cũng sẽ theo sang đó. Mới đó mà đã theo chân Thành Lộc gần 30 năm rồi”, cô Thủy nói trong nghẹn ngào.

VN-Tube

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận